Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Công cụ xử lý file PDF đa năng không thể thiếu trên Windows


(Dân trí)- PDF là một trong những định dạng văn bản phổ biến nhất hiện nay. Bài viết sau sẽ giúp bạn tạo file PDF từ những file văn bản thông thường để tăng tính bảo mật và ngược lại, chuyển đổi file PDF sang định dạng file word để dễ dàng chỉnh sửa, trích xuất nội dung.

Một trong những ưu điểm nổi bật của định dạng file PDF đó là nội dung trình bày đươc bảo đảm và tính bảo mật cao, nội dung bên trong khó bị chỉnh sửa bằng những phần mềm thông thường, do vậy thường sử dụng để chia sẻ trên Internet hoặc chia sẻ qua email dưới dạng sách điện tử…

Expert PDF Converter là phần mềm mang đến cho người dùng 2 chức năng chính: tạo file PDF từ những định dạng file thông thường (như file văn bản word, file ảnh, và thậm chí cả trang web) và ngược lại, cho phép chuyển đổi file PDF sang các định dạng file có thể chỉnh sửa được (file văn bản word hay các định dạng file ảnh…).

Bên cạnh đó, Expert PDF Converter có thể sử dụng như một phần mềm đọc file PDF mặc định trên Windows, để mở và xem nội dung file.

Nói cách khác, với Expert PDF Converter, bạn vừa có 1 công cụ để xem file PDF, để tạo ra văn bản định dạng file PDF nếu muốn và để chỉnh sửa, trích xuất nội dung từ file PDF khi cần.

Hướng dẫn đăng ký bản quyền miễn phí

Mặc định, bản quyền phần mềm Expert PDF Converter có giá 25 USD. Tuy nhiên hiện tại, hãng phần mềm Avanquest Software đang cho phép người dùng đăng ký để nhận mã bản quyền miễn phí của phần mềm này.

Thực hiện theo các bước sau để đăng ký và nhận bản quyền phần mềm:

- Download bản dùng thử của phần mềm tại đây.

- Tiếp theo, truy cập vào đây (nội dung tiếng Đức), điền đầy đủ thông tin liên quan vào hộp thoại bao gồm email, xác nhận lại email, họ và tên. Mục “Land” bạn chọn VIETNAM, sau đó nhấn vào nút bên dưới để đăng ký thông tin.

Công cụ xử lý file PDF đa năng không thể thiếu trên Windows
- Chờ trong giây lát, một email được gửi đến từ kontakt@avanquest.de,  trong đó có chứa đường link kích hoạt thông tin đăng ký. Nhấn vào đường link này. Một email khác được gửi đến từ chính địa chỉ trên, trong đó có chứa đoạn mã để kích hoạt bản quyền phần mềm.

- Tiến hành cài đặt Expert PDF. Sau khi cài đặt và kích hoạt phần mềm, từ giao diện chính, chọn “Register Full Version” từ trên menu, rồi điền đoạn mã kích hoạt phần mềm vào hộp thoại hiện ra rồi nhấn nút Active.

Công cụ xử lý file PDF đa năng không thể thiếu trên Windows
Bây giờ bạn đã có thể sử dụng phần mềm với đầy đủ bản quyền và tính năng mà không còn hạn chế nào khác.

Hướng dẫn sử dụng

2 trong số các tính năng nổi bật nhất mà Expert PDF cung cấp cho người dùng đó là khả năng tạo file PDF từ file thông thường và tính năng chuyển đổi định dạng file PDF sang file word (.doc hoặc .docx).

* Tạo file PDF: đây được xem là tính năng chính mà Expert PDF cung cấp cho người dùng.

Để sử dụng tính năng này, từ giao diện chính của phần mềm, bạn chọn “Create PDF” trên menu.

Công cụ xử lý file PDF đa năng không thể thiếu trên Windows
Từ hộp thoại hiện ra, nhấn nút ‘Add Files’ rồi chọn file cần chuyển đổi thành định dạng PDF. Phần mềm hỗ trợ nhiều định dạng file để chuyển đổi, từ các định dạng file văn bản, word, excel, các định dạng file ảnh… Bạn có thể thêm nhiều file để chuyển đổi đồng thời sang định dạng file PDF.

Công cụ xử lý file PDF đa năng không thể thiếu trên Windows
Đặc biệt, phần mềm còn trang bị tính năng chuyển đổi cả trang web thành định dạng PDF, như một cách để trích xuất và lưu nội dung trang web. Để sử dụng tính năng này, nhấn nút ‘Add Url’ từ hộp thoại, rồi dán đường dẫn trang web cần chuyển thành file PDF từ khung hiện ra.

Cuối cúng, nhấn nút “Create PDF” để quá trình chuyển đổi các file được chọn sang định dạng dạng PDF được diễn ra.

Sau khi quá trình tạo file PDF kết thúc, nội dung của file được tạo dưới dạng PDF sẽ được hiển thị trên phần mềm, cho người dùng xem trước nội dung và cách hiển thị.

Nếu cảm thấy ứng ý, bạn có thể lưu lại file này (dưới dạng file PDF) bằng cách nhấn vào biểu tượng phần mềm trên góc trái và chọn “Save” hoặc “Save as”, rồi chọn vị trí để lưu file PDF được tạo thành.

* Trích xuất nội dung và chuyển đổi từ PDF sang Word:
* Trích xuất nội dung và chuyển đổi từ PDF sang Word: đây là tính năng hữu ích và cần thiết nhất trên Expert PDF.

Thông thường, nội dung trên file PDF thường rất khó trích xuất và chỉnh sửa, để làm điều này, người dùng cần phải chuyển file sang định dạng của Word (doc hoặc docx) rồi sử dụng bộ công cụ văn phòng của Microsoft để trích xuất và chỉnh sửa nội dung.

Expert PDF cũng cho phép bạn thực hiện điều này.

Để trích xuất 1 đoạn nội dung từ file PDF, đầu tiên bạn mở file PDF cần trích nội dung bằng cách nhấn vào biểu tượng phần mềm ở góc trên bên trái, chọn Open rồi chọn file PDF cần thiết.

Nội dung của file PDF sẽ được hiển thị trên giao diện phần mềm.

Để trích xuất 1 đoạn nội dung có trong file PDF này, bạn chọn “Text Select” trong tab Home trên menu của phần mềm. Sau đó sử dụng chuột để bôi đen và chọn đoạn văn bản cần trích xuất, rồi kích chuột phải chọn Copy (hoặc nhấn tổ hợp phím Ctrl-C). Bây giờ, bạn có thể dán đoạn văn bản này ra một phần mềm soạn thảo khác để sử dụng.

* Trích xuất nội dung và chuyển đổi từ PDF sang Word:
Để chuyển đổi file PDF sang định dạng Word để dễ dàng hơn trong việc chỉnh sửa nội dung, bạn chọn tab “Creat and Convert” trên menu của phần mềm. Tại đây chọn “Word Document”, sau đó chọn vị trí để lưu file định dạng .doc được lưu lại sau khi chuyển đổi.

* Trích xuất nội dung và chuyển đổi từ PDF sang Word:
Tại đây bạn cũng có thể chọn các chức năng như “JPEG”, “TIFF” hay “PNG” để chuyển đổi file PDF sang các định dạng ảnh tương ứng.

Có một cách đơn giản hơn để chuyển đổi định dạng file PDF sang định dạng file Doc, đó là sau khi cài đặt, phần mềm sẽ tự động tạo ra 1 biểu tượng shortcut trên màn hình desktop của Windows với tên gọi Expert PDF 7 Word converter, bạn có thể kích hoạt trực tiếp biểu tượng shortcut này để chạy công cụ chuyển đổi định dạng của phần mềm.

Lưu ý: trong trường hợp không có shortcut xuất hiện trên desktop, bạn có thể tìm thấy chức năng này từ Start Menu của Windows.

Giao diện của công cụ này đơn giản và trực quan hơn hẳn so với giao diện chính của phần mềm Expert PDF. Trên giao diện hiện ra, bạn nhấn vào biểu tượng tại mục “PDF File name” để chọn file PDF cần chuyển sang doc, còn mục “Output Filename” để chọn vị trí lưu file sau khi chuyển đổi (mặc định sẽ lưu cùng với vị trí file gốc PDF).

* Trích xuất nội dung và chuyển đổi từ PDF sang Word:
Sau khi chọn file, nhấn Next trên hộp thoại phần mềm. Ở bước tiếp theo, công cụ sẽ cho phép bạn chọn để chuyển đổi toàn bộ các trang trên file PDF, hoặc chỉ chuyển một số trang nhất định. Rồi nhấn Next để quá trình chuyển đổi diễn ra.

Thời gian để hoàn tất quá trình này nhanh hay chậm phụ thuộc vào dung lượng và số trang có trên file.

Trên đây là những tính năng chính và cách thức sử dụng của Expert PDF. Với những công cụ do phần mềm cung cấp, bạn đã có đủ “vũ khí” để có thể xử lý các file PDF khi cần thiết.

Phạm Thế Quang Huy

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Bàn về văn hóa "Cảm Ơn" và "Xin Lỗi" của người Việt



Có lẽ khỏi phải nói, ai cũng đều biết rằng khi người khác làm giúp mình 1 điều gì đó, cần phải có lời "cảm ơn" và khi mình sai, hãy nói lời "xin lỗi". Đó đơn giản là văn hóa! Tuy nhiên, văn hóa "cảm ơn" và "xin lỗi" phổ biến của người Việt Nam chúng ta quả là có nhiều điều đáng phải ngẫm nghĩ.




Hai tuần trước là ngày kỉ niệm ngày 22 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa của Việt Nam. Theo truyền thống đạo lí của người Việt chúng ta phải ghi ơn những người đã nằm xuống trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước. Nhưng rất tiếc hình như trong giới quan chức ít ai nhớ đến ngày này, đến nổi báo chí không thấy nhắc đến cụ thể.


Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lí của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt.

Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kĩ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá.

Một câu chuyện “quên” cám ơn khác có liên quan đến Giáo sư Bùi Trọng Liễu, người vừa mới qua đời khoảng 10 ngày trước ở Paris. Gs Liễu là một người rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đóng góp hàng trăm bài viết để cải tiến giáo dục và chuẩn mực giáo sư. Gs Liễu cũng là một trong những người sáng lập ra Đại học dân lập Thăng Long, nay là Đại học Thăng Long. Sau 1 tuần Gs Liễu qua đời, tôi tò mò vào trang web của Đại học Thăng Long xem ban giám hiệu có lời nào về sự ra đi của Gs Liễu. Hoàn toàn không. Tôi rất ngạc nhiên. Nhưng nay thì tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Câu chuyện bên Úc mà tôi thuật ở đây cho thấy người phương Tây có cách thể hiện sự tri ân một cách thiết thực. Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi có nhu cầu thành lập một phòng thí nghiệm mới chuyên về phân tích di truyền, và may mắn thay, chúng tôi được một “đại gia” trong ngành bảo hiểm tài trợ để trang bị phòng óc và các thiết bị quan trọng. Hội động quản lí của Viện quyết định lấy tên của nhà tài trợ đặt tên cho phòng thí nghiệm. Ngày khai mạc, chúng tôi mời nhà tài trợ, phu nhân và con của ông đến tham dự, phát biểu ý kiến, và cắt băng khánh thành. Tôi để ý thấy chẳng những phòng thí nghiệm mang tên ông, mà ngay cả trước phòng thí nghiệm còn có một bảng đồng khắc một đoạn văn ghi ơn ông đã hỗ trợ tài chính cho việc thành lập phòng thí nghiệm. Đó là một cách ghi ơn của người phương Tây.

Thật ra, trong xã hội Âu Mĩ, việc ghi nhận đóng góp của các nhà từ thiện được xem là một đặc điểm của văn minh. Ở các đại học, thỉnh thoảng các thương gia tài trợ cho một ghế giáo sư hay ghế chủ nhiệm một bộ môn khoa học, trường đại học thường lấy tên nhà tài trợ đặt cho chức danh giáo sư. Do đó, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số giáo sư Âu Mĩ, chẳng hạn như ông bạn tôi kí tên là “Rebecca Cooper Professor of Medicine” để cho thấy người giữ chức danh giáo sư y khoa đó là do bà Rebecca Cooper tài trợ.

Ngay cả trong các hội nghị khoa học có sự tài trợ của các công ty dược, ban tổ chức còn gửi thư nhắc nhở các nghiên cứu sinh hay các nhà nghiên cứu trẻ đến quầy của các công ty dược để nói một tiếng cám ơn. Nếu không có tài trợ của các công ty đó, chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn ở đây rất quan trọng, vì đó không chỉ là một cách tri ân người hỗ trợ, mà còn là một cử chỉ bày tỏ rằng ở trên đời mọi người đều phải tùy thuộc nhau mà sống.

Có thời người Việt chúng ta có cảm nhận không đúng với người phương Tây. Hồi còn nhỏ, tôi thỉnh thoảng nghe người ta nói người phương Tây tuy bề ngoài tỏ ra lịch sự nhưng tâm thì họ vô đạo đức lắm, vô ơn lắm. Nhưng khi có dịp sống và làm việc chung với người Mĩ, Anh, Úc và Âu châu nói chung, tôi thấy quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người phương Tây. Ngày tôi mới sang Úc, tôi thấy hai chữ “thank you” (cám ơn) và “sorry” (xin lỗi) giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, ngay từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today” (Hôm nay anh khỏe không), thì câu trả lời lúc nào cũng kèm theo hai chữ cám ơn –thank you. Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.

Ở xã hội Âu Mĩ, trẻ em ngay từ lúc còn rất nhỏ đã được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”, và nói thật lòng chứ không nói qua quít. Khi lớn lên, họ chẳng những trở thành những người rất lịch sự mà còn rất có đạo đức, có trách nhiệm với cộng đồng. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta.

Ngược lại với Âu Mĩ, ở Việt Nam, tôi thấy hình như tần số của hai chữ “cám ơn” còn khá thấp. Dự nhiều hội nghị trong nước tôi ít thấy khi nào diễn giả cám ơn cộng sự hay nghiên cứu sinh, làm như tất cả slides và dữ liệu là tự họ sáng tạo ra vậy (một điều không thể)! Vào quán ăn, ăn uống xong và được nhân viên phục vụ, khách hàng chỉ việc tính tiền (hay cho thêm tiền “tip”), nhưng không hay ít nói lời cám ơn. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện của Mahatma Gandhi rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: "Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn".





Trong thời buổi hội nhập quốc tế, tôi thiết nghĩ chúng ta nên thực hành văn hóa cám ơn. Thật ra, văn hóa này chẳng xa lạ gì với người Việt Nam. Như nói trên, người Việt có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để ghi ơn những người đi trước đã tạo nên nền móng cho ngày nay. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có nói một câu đơn giản mà nổi tiếng: sống trên đời cần phải có một tấm lòng, phải sống tử tế với nhau. Sống tử tế với nhau cũng có nghĩa là ghi nhận sự đóng góp và giúp đỡ của người khác. Cám ơn chẳng những tỏ lòng tri ân người mình thọ ơn mà còn là một cách tôn trọng nhân phẩm của người đó.



Cảm ơn bài bình luận sâu sắc của Gs. Nguyễn Văn Tuấn